Từ nhiều thế kỷ nay, hiện tượng cực khoái ở phụ nữ luôn làm các nhà khoa học đau đầu. Nhưng mới đây, họ đã tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này.
Những học giả như Aristotle cũng đã từng đặt ra câu hỏi tại sao phụ nữ tiến hóa để đạt cực khoái, bởi hiện tượng này không đóng vai trò trong hoạt động sinh sản của con người.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Đại học Yale và Viện nhi Cincinnati ở Mỹ cho biết cực khoái nữ có thể phục vụ mục đích rất quan trọng.
Cực khoái nữ kích thích sản sinh hai hóc-môn trong não mang tên prolactin và oxytocin.
Theo các nhà nghiên cứu, ở nhiều loài động vật có vú, quá trình sản sinh ra 2 hóc-môn này đóng vai trò thúc đẩy buồng trứng giải phóng trứng.
Ở một số loài khác, sự rụng trứng thực ra là do con đực gây ra. Nói cách khác, con cái chỉ sản xuất trứng sau khi đạt cực khoái.
Mặc dù ngày nay, quá trình sinh sản ở con người không phụ thuộc vào hành vi tình dục nhưng các nhà khoa học tin rằng con người cũng từng trải qua theo cách tương tự.
"Cực khoái của tổ tiên không giống cực khoái của phụ nữ ngày nay và sự cực khoái này có thể đã thay đổi theo sự tiến hóa của con người", Mihaela Pavlicev, đồng tác giả nghiên cứu giải thích.
Chỉ sau khi hoạt động sinh sản của phụ nữ tiến hóa theo chu kỳ kinh nguyệt (hay sự rụng trứng theo chu kỳ), cực khoái nữ mới không còn hữu ích về mặt sinh sản.
Cách nhà khoa học cho biết sự thay đổi mang tính tiến hóa từ "rụng trứng do kích thích" sang "rụng trứng theo chu kỳ" cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển vị trí âm vật từ bên trong cơ quan sinh dục nữ ra bên ngoài.
"Thay đổi về mặt giải phẫu này khiến âm vật ít có khả năng nhận đủ kích thích trong quá trình giao phối để đạt phản xạ nội tiết thần kinh là cực khoái", nhóm nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí JEZ-Molecular and Developmental Evolution vào ngày 1/8 vừa qua.
* Theo Mirror