Biện pháp tránh thai cho bú vô kinh

Biện pháp tránh thai cho bú vô kinh
Biện pháp cho bú vô kinh là BPTT hiệu quả không cao, không nên khuyến cáo cho những người sẽ có nguy cơ cao khi mang thai. Biện pháp cho bú vô kinh không nên sử dụng cho những khách hàng nhiễm HIV hoặc có bạn tình nhiễm HIV và không giúp ngăn ngừa NKLTQĐTD, HIV/AIDS.



1. Chỉ định.
Phụ nữ cho con bú hoàn toàn, chưa có kinh trở lại và con dưới 6 tháng tuổi.

2. Chống chỉ định.
2.1. Chống chỉ định tuyệt đối.
Mẹ đang sử dụng những loại thuốc chống chỉ định cho con bú như: các loại thuốc chống đông, chống chuyển hóa, bromocriptin, corticosteroid liều cao, cyclosporin, ergotamin, lithium, thuốc trầm cảm và thuốc có đồng vị phóng xạ.
Những tình trạng của bé ảnh hưởng đến việc cho bú như: bé có dị tật vùng miệng, hầu – họng, bé non tháng hoặc nhỏ so với tuổi thai cần chăm sóc đặc biệt, bé bị một số tình trạng rối loạn chuyển hóa.
2.2. Chống chỉ định tương đối.
Mẹ nhiễm HIV.

3. Qui trình thực hiện.
3.1. Tư vấn.
- Lắng nghe và tìm hiểu nhu cầu tránh thai của khách hàng. Nêu rõ hiệu quả, thuận lợi, không thuận lợi của biện pháp cho bú vô kinh. BPTT này không nên sử dụng cho khách hàng nhiễm HIV và không có tác dụng phòng tránh NKLTQĐTD, HIV/AIDS.
- Căn dặn khách hàng quay trở lại để hướng dẫn áp dụng BPTT hiệu quả khác nếu: (i) bắt đầu cho ăn bổ sung hoặc (ii) có kinh trở lại hoặc (iii) con trên 6 tháng.
- Hẹn gặp lại khách hàng ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng và hỏi những thông tin liên quan đến:
 Có kinh trở lại.
 Trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.
 Những khó khăn trong việc cho bú để có hướng dẫn giúp đỡ.
 Sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
 Mới bị những bệnh nhiễm khuẩn như viêm gan do virus (vàng da, vàng mắt), HIV mới được phát hiện…
 Thảo luận về thời điểm bắt đầu BPTT khác.
3.2. Thời điểm thực hiện.
Bắt đầu ngay sau khi sinh.

3.3. Qui trình thực hiện.
Cho bé bú sau sinh càng sớm càng tốt.
Cho bú đúng cách.
Cho bé bú bất kỳ lúc nào bé đói, kể cả ngày và đêm. Cho bú 8 – 10 lần/ngày, ban ngày không được cách quá 4 giờ, ban đêm không cách quá 6 giờ giữa 2 lần bú.
Cần duy trì cho bú mẹ ngay cả khi mẹ hoặc bé ốm.
Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ không ăn uống thêm một thứ gì khác.

3.4. Chuyển BPTT khác.
Cần chuyển ngay sang một BPTT hiệu quả khác nếu có một trong những dấu hiệu sau:
Có kinh trở lại (không tính ra máu trong 6 tuần đầu sau sinh).
Mẹ không cho bú hoàn toàn hoặc bé đã được cho ăn/uống bổ sung.
Trẻ hơn 6 tháng tuổi.
Không muốn áp dụng biện pháp cho bú – vô kinh.

4. Đối với khách hàng HIV(+).
- Khách hàng HIV(+) hoặc AIDS hoặc đang điều trị thuốc kháng virus KHÔNG NÊN sử dụng BPTT cho bú – vô kinh.
- Tư vấn cho khách hàng HIV(+) phương thức nuôi con phù hợp nhất:
 Chỉ không cho bú mẹ khi (và chỉ khi) có đầy đủ điều kiện để sử dụng sữa thay thế, cụ thể về điều kiện kinh tế đầy đủ, khả năng cung ứng sản phẩm thuận tiện và luôn sẵn có.
Nếu không thể có đủ điều kiện để sử dụng sữa thay thế, khách hàng HIV(+) có thể cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp này (cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu), có thể sử dụng BPTT cho bú – vô kinh nhưng cần yêu cầu khách hàng sử dụng bao cao su kèm theo. Khi sử dụng đúng cách và thường xuyên, bao cao su giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV và các NKLTQĐTD. Cho con bú xen kẽ (giữa bú mẹ và các loại sữa khác) có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Cần rút ngắn thời gian cai sữa khi chuyển tiếp từ bú mẹ hoàn toàn sang ăn dặm.
Có thể giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV bằng cách vắt sữa mẹ và đun sôi trước khi cho bé ăn bằng thìa.
- Cần tư vấn cho khách hàng HIV(+) về chế độ dinh dưỡng và vệ sinh. Các tình trạng nhiễm khuẩn như: viêm tuyến vú, áp xe và nứt núm vú đều làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Theo suckhoesinhsan

Post a Comment

Previous Post Next Post